Sơ lược về nhận biết nhịp điệu cho người chơi guitar

Nói sơ lược vì chưa thể nói chi tiết và sâu hơn nên chỉ nói “sơ lược” thôi.

Nhịp điệu (Rhythm, Style, tiết điệu, điệu… ) là sự lặp lại theo chu kì một âm hình tiết tấu kèm theo độ mạnh nhẹ và âm sắc bass – treble. Sự lặp lại này thường là 1 ô nhịp, đôi khi là ½ ô nhịp hoặc cá biệt một số điệu có chu kì 2 ô nhịp hoặc nhiều hơn.

Sẽ không tìm thấy một chuẩn mực bất biến cho một nhịp điệu nào đó vì nó luôn biến đổi theo sự sáng tạo của từng ban nhạc, của từng người chơi. Tuy nhiên ta có thể nhận biết nhịp điệu qua những đường nét cơ bản của nó.

Việc nhận ra một ca khúc được chơi ở điệu gì hay phải chơi ca khúc nào đó với điệu gì là kỹ năng người học chơi nhạc cần đạt. Kỹ năng này không tự nhiên có, nó đòi hỏi chúng ta phải nghe nhiều, nghe một cách chủ động theo sự hướng dẫn của người có kinh nghiệm hơn.

Để nhớ được các điệu thông thường phải luyện tập để thực hành được điệu đó bằng nhạc cụ, khiêu vũ hoặc chỉ là nghe nhiều thôi. Nhận biết điệu cũng như khi ta nhớ vị của đường, muối, tiêu, tỏi… thì chỉ cần nhìn thấy hoặc nếm là ta gọi tên được nó.

Có thể tổng hợp một số điệu cho guitar như sau:

Tên điệu Loại nhịp Tốc độ Nguồn gốc
Waltz (Valse) 3/4, 3/8, 6/8 100-160 Châu Âu
Boston (Slow waltz, Serenade) 3/4 60-70 Châu Âu
Slow rock 6/8, 2/2 60-70 Âu-Mỹ
12 beat 12/8, 4/4 60-70 Âu-Mỹ
Ballad 8 beat 2/4, 4/4 70-80 Âu-Mỹ
Ballad 16 beat 2/4, 4/4 70-80 Âu-Mỹ
Slow surf 2/4, 4/4 70-80 Âu-Mỹ
Rhumba 4/4 90 – 110 Latin
Bolero 4/4 80-90 Latin
Bosanova 4/4 90-140 Latin
Ha-ban-ra 4/4 80-90 VN
Ba lát VN 2/4, 4/4 80-90 VN
Chachacha 4/4 120-140 Latin
Tango 2/2, 4/4 Latin
Disco 2/4, 4/4 100-140 Âu-Mỹ
Be bop 2/4, 4/4 100-140 Âu-Mỹ
Pops 2/4, 4/4 100-140 Âu-Mỹ
Surf 2/4, 4/4 90-100 Âu-Mỹ
Swing 2/2, 4/4 140-160 Mỹ
Twist 2/2, 4/4 140-160 Mỹ
Pasodoble 2/4, 4/4 110-140 Châu Âu
March 2/4, 4/4 110-140 Châu Âu
Fox 2/4, 4/4 110-140 Châu Âu

Trong tổng hợp ở trên, có những điệu có tính chất tương đồng khi chơi bằng guitar nên có thể thay thế hoặc dùng xen kẽ nhau (nhóm được ghi cùng màu).

Như trên ta thấy có rất nhiều nhịp điệu có cùng loại nhịp (cùng số chỉ nhịp) do đó khó thể căn cứ vào loại nhịp để chọn điệu cho bài hát. Nếu căn cứ vào loại nhịp chỉ có thể phân biệt loại nhịp có 3 phách (3/4, 3/8…) với phần còn lại; vậy căn cứ vào đâu để chọn điệu?

Để chọn nhịp điệu phải căn cứ vào âm hình tiết tấu chủ đạo của bài hát, điều này cho biết tại sao người ta luôn phải tìm âm hình tiết tấu chủ đạo khi phân tích một tác phẩm âm nhạc nào đó. Đây là vấn đề khó với người mới học nhạc và thông thường người ta sẽ chọn theo hướng dẫn của người có kinh nghiệm hơn hoặc bắt chước những bản ghi âm trước đó.

Quá trình làm chủ nhịp điệu là lâu dài (đôi khi là hàng chục năm hay cả đời người) đòi hỏi sự kiên trì và sẽ thật tuyệt diệu khi ta “vui chơi” được với tiết tấu. Hãy bắt đầu bằng việc nhận biết một bản ghi âm nào đó đã được chơi ở điệu gì và… cứ thế.